Chuyện Marketing

4 loại từ khoá tạo nên chủ đề – Một cách phân loại đặc biệt

Có thể bạn đã từng nghe tới nhiều phương pháp phân loại từ khoá SEO như: phân loại theo nhu cầu tìm kiếm, phân loại theo hành vi mua hàng, phân loại theo chủ đề… Những cách phân loại này giúp bạn chia bộ từ khoá thành nhiều chủ đề khác nhau, đồng thời nhóm các từ khoá có cùng search intent vào cùng một nhóm.

Tuy nhiên, tại bài viết này mình sẽ giới thiệu tới bạn một hướng phân loại từ khoá đặc biệt. Công dụng của phương pháp này là giúp bạn tìm được những vật liệu để “vẽ” lên một bức tranh hoàn chỉnh về chủ đề.

Tại sao cần phân loại từ khoá để “vẽ” nên chủ đề?

Google giờ đây đã thông minh hơn và không chỉ dựa vào từ khoá trong bài theo một vài công thức “chuẩn SEO” kiểu như: 3% từ khoá chính xuất hiện trong bài, từ khoá chính xuất hiện ở sapo, in đậm, bôi nghiêng… để nhận ra từ khoá chính – chủ đề của bài viết.

Google cần nhiều hơn thế.

*Ví dụ với từ khoá “đau dạ dày”

Bạn không cần phải chèn từ khoá này vào những vị trí cố định trong bài viết, hoặc đôi khi spam từ khoá và rồi “cầu nguyện” Google sẽ hiểu ra bài viết của mình đang nói về “đau dạ dày” sau đó cho lên TOP với từ khoá này.

Lúc này, ngoài việc để từ khoá “đau dạ dày” xuất hiện vừa đủ trong bài viết, bạn cần xây dựng tuyến nội dung với những từ khoá liên quan xoay quanh chủ đề “đau dạ dày” như:

  • Viêm loét dạ dày
  • Niêm mạc dạ dày
  • Đau bụng thượng vị
  • Buồn nôn
  • Quặn bụng
  • Ợ hơi

Từ hệ thống từ khoá này, Google sẽ xây dựng thành một mạng lưới sơ đồ tri thức, hiểu về bức tranh hoàn chỉnh về “đau dạ dày” mà bạn vừa tạo ra.

Sơ đồ tri thức (Knowledge Graph) & SEO
Google hiểu bài viết của bạn là một “chủ đề lớn” được xây dựng bởi nhiều “chủ đề nhỏ” liên quan

Đó, Google sẽ hiểu bài viết theo chủ đề chứ không phải từ khoá.

Vậy nên cách phân loại từ khoá đặc biệt này sẽ giúp bạn mở rộng từ khoá, “vẽ” một chủ đề hoàn chỉnh để Google hiểu nội dung chính của bạn.

Hiểu 4 loại từ khoá “vẽ” nên một chủ đề hoàn chỉnh

1. Từ khoá chính

Là từ khoá định danh cho chủ đề của bài viết. Thông thường mình sẽ lấy từ khoá có lượt tìm kiếm lớn nhất trong nhóm từ khoá có cùng intent. Ngoài ra bạn có thể căn cứ vào sản phẩm dịch vụ mà mình kinh doanh để chọn chủ đề, khi đó mỗi chủ đề là một sản phẩm, dịch vụ hoặc phân nhóm dịch vụ mà bạn mạnh nhất.

Bạn có thể xem ảnh dưới để thấy tại sao mình chọn từ khoá “bé bị hăm tã” làm từ khoá chính mà không phải là “trẻ bị hăm tã”

từ khoá chính

 

2. Từ khoá phụ

Từ khoá phụ, đương nhiên rồi, là những từ khoá có cùng search intent với từ khoá chính nhưng search volume bé hơn.

Như hình bên trên thì từ khoá phụ sẽ là:

  • trẻ bị hăm tã
  • trẻ sơ sinh bị hăm tã

Đừng nhầm các từ khoá “bé bị hăm tã nặng”, “hình ảnh bé bị hăm tã” là từ khoá phụ nha. Hai từ khoá này có search intent hoàn toàn khác, nó xuất hiện trong hình vì công cụ nghiên cứu từ khoá đề xuất thô là như vậy, mình chưa phân nhóm. Haha

3. Từ khoá bổ nghĩa

Bắt đầu khó hơn từ khoá chính và từ khoá phụ rồi đó.

Từ khoá bổ nghĩa là từ khoá bổ sung ý nghĩa cho từ khoá chính – chủ đề. Liên quan trực tiếp đến chủ đề, góp phần xây dựng lên một chủ đề hoàn chỉnh.

từ khoá bổ nghĩa

Quay trở lại ví dụ về chủ đề “bé bị hăm tã”. Từ khoá bổ nghĩa chính là những từ khoá mà mình khoanh đỏ. Những từ khoá này chứa key của chủ đề là “hăm tã” và liên quan trực tiếp đến chủ đề. Tuy nhiên những từ khoá này lại có intent khác với từ khoá chính và từ khoá phụ.

*Ví dụ từ khoá: “hình ảnh bé bị hăm tã”, người dùng chỉ muốn tìm tập hợp hình ảnh hăm tã chứ không cần thông tin tổng quan về bênh hăm tã ở trẻ như bài viết về chủ đề “bé bị hăm tã”

4. Từ khoá ngữ nghĩa

Bạn để ý keyword “Liên quan trực tiếp” được mình bôi đậm ở phần từ khoá bổ nghĩa chứ. Đúng vậy, từ khoá ngữ nghĩa là từ khoá liên quan gián tiếp tới chủ đề chính. Tên gọi chuyên môn của từ khoá ngữ nghĩa là LSI Keywords (Latent Semantic Indexing Keywords).

Từ khoá ngữ nghĩa thường không có công cụ để tìm ra (*) mà cần tự suy luận rất nhiều. Mình có một mẹo nhỏ là tham khảo các tab gợi ý trong phần tìm kiếm hình ảnh Google.

từ khoá ngữ nghĩa

Như bạn thấy đó,

  • rôm sảy
  • vùng kín
  • hậu môn
  • bỉm

chính là những từ khoá ngữ nghĩa của chủ đề “bé bị hăm tã”. Những từ khoá ngữ nghĩa này không chứa key “hăm tã” nhưng vẫn giúp cấu thành nên một bức tranh hoàn chỉnh về bênh hăm tã ở trẻ.

(*) Thực ra là có công cụ để tìm ra từ khoá ngữ nghĩa đó. Nó là LSIGraph bản trả phí, tuy nhiên công cụ này hiện chỉ tối ưu cho ngôn ngữ tiếng Anh, chưa phù hợp với tiếng Việt.

Kết luận

Như vậy bạn đã biết cách “vẽ” nên chủ đề của một bài viết từ 4 nhóm từ khoá cốt lõi rồi đó. Việc tiếp theo là… chờ đón các bài viết tiếp theo của mình nhé 😉

Dược sĩ trà đá

Blog là những chia sẻ góp nhặt của mình về Marketing, một vài câu chuyện ngành Dược và chút góc nhìn cuộc sống. Cảm ơn bạn đã đọc tới đây! Có thể chúng ta gặp những quan điểm khác nhau, nhưng nếu tìm được chút điểm chung với mình, cho phép mình mời bạn cafe/trà đá nhé.

Đọc thêm một số bài viết của mình nhé

One Comment

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button