Chuyện Marketing

Search Intent: Khái Niệm Cũ Còn Mới

Hàn lâm thôi chưa đủ.

Search intent?

Đây là một khái niệm không mới, thậm chí đã cũ trong làng SEO Google. Tuy nhiên đối với dân content dược thì đây lại là điểm thiếu sót “nhỏ mà có võ” khiến nhiều bài viết rất hàn lâm và tâm huyết của các anh chị Dược sĩ luôn được Google… đánh giá thấp.

Về search intent là gì, có thể mọi người sẽ tìm được rất nhiều khái niệm ngay trên Google, cả nguồn trong và ngoài nước. Do vậy mình sẽ không phân tích sâu và hàn lâm về khái niệm này. Bài viết này sẽ chỉ chia sẻ và hướng dẫn theo cách làm của mình – một dược sĩ làm SEO để thuận tiện nhất cho các đồng nghiệp, người ngoài ngành mới tiếp cận về SEO.

Nôm na, search intent là ý định ngay khi search của người sử dụng công cụ tìm kiếm. (*)

Chúng ta thấy rằng, khi một người phát sinh hành vi tìm kiếm, trong đầu họ lúc này đang tồn tại một câu hỏi và cần ngay một câu trả lời. Như vậy một truy vấn tìm kiếm (hay chúng ta thường gọi là “từ khoá”) không còn là một cụm từ, mà là một câu hỏi.

Từ đó suy ra định nghĩa content chuẩn SEO là một bài viết unique (không copy), đảm bảo 3-5% mật độ từ khoá chính, X% từ khoá phụ, từ khoá có trong tiêu đề, có trong ảnh, v.v… hoàn toàn chỉ là phần ngọn của vấn đề.

Vậy phần gốc là gì?

Quay lại vấn đề intent, người dùng cần một câu trả lời. Tuy nhiên trả lời thế nào cho đúng ý người dùng, người bệnh thì không phải chỉ cần chép sách bệnh học ra là đủ. Đặt mình vào vị trí của người dùng, chúng ta thấy một intent cơ bản cần đáp ứng được:

  • Cung cấp câu trả lời một cách nhanh nhất (gãi đúng chỗ ngứa)
  • Cung cấp câu trả lời dễ hiểu nhất (gãi đủ lực, sướng, phê)
  • Cung cấp câu trả lời mở rộng phù hợp nhất (hướng dẫn cách hết ngứa không cần gãi)

Như vậy content SEO không đơn thuần là công thức, cũng không hề khô khan hay hàn lâm, mà cũng cần… phê. Để gãi cho khách hàng phê không đơn giản, nhưng mình tin sau 3 bước mình giới thiệu thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn với bạn nhiều đó.

Bước 1: Xác định ai ngứa – WHO

Cũng như tư vấn tại nhà thuốc, phải xác định xem khách hàng là ai, tầm tuổi nào, cao gầy ra sao, tiền sử bệnh gì, đang điều trị đến đâu… thì mới tìm ra hướng tư vấn phù hợp được. Tư vấn chung chung cho mọi đối tượng thì trăm bài đôi lượt đọc (chả ai xem).

Bước 2: Xác định ngứa thế nào, gãi ra sao – WHAT

Câu hỏi này nhằm tìm ra kích thước vết ngứa, độ nghiêm trọng vết ngứa. Tức là cần tìm ra người dùng đang cần một câu trả lời thế nào, kỹ hơn thì là:

  • Trả lời cái nào trước, cái nào sau
  • Điều gì là mấu chốt trong câu trả lời
  • Trả lời theo định dạng nào (liệt kê hay phân tích, theo góc nhìn review hay chuyên gia đánh giá, định dạng ảnh hay text hoặc video,…)

Từ đó xác định được lực gãi, hướng gãi mà chọn động tác gãi cho người đọc… phê.

Vậy nên nếu bạn đang viết theo cấu trúc “sách giáo trình” gồm: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chữa, cách phòng… lặp đi lặp lại bài này qua bài khác là chưa đúng, siêu nhàm chán và ít nếp nhăn.

Bước 3: Xác định cách hết ngứa dứt điểm – WHY

Đúng vậy, một người ngứa không chỉ cần cách gãi thế nào cho hết, gãi hướng nào cho phê. Gốc gác ở đây họ cần là hết ngứa, mà để hết ngứa thì gãi đâu phải cách duy nhất, cũng đâu hết ngứa đến cùng.

Muốn trị tận gốc thì phải tìm ra cái gốc đã, lúc này câu hỏi Why phát huy tác dụng: Họ ngứa do đâu, do côn trùng cắn hay do dị ứng, hay đơn giản chỉ là một hình ảnh làm họ… ngứa mắt.

Trả lời được câu hỏi Why đồng nghĩa với việc tìm được động lực search của khách hàng. Từ đó mà nhắc đến yếu tố này ở trong bài khiến họ có cảm giác được thấu hiểu, rằng “Oà, tớ đã tìm đúng thầy rồi”. Khi biết rằng dược sĩ đã hiểu tình trạng bệnh của mình thì khách hàng mới có động lực đọc đến cuối bài viết của bạn.

Nếu không, họ sẽ out ngay từ những dòng đầu tiên. Bạn cũng vậy mà, phải không?

Dưới đây mình sẽ ví dụ về trường hợp xác định intent cho từ khoá “tinh dầu oải hương có tốt cho bà bầu”.

Mình che phần concept để bài sau giải thích kỹ hơn nha 😉

search intent ví dụ

Túm lại, với search intent chúng ta hiểu hai điều:

  • Content dược, hàn lâm thôi chưa đủ.
  • Content SEO không là công thức, sẽ cần tới sáng tạo, sự tâm lý – nhạy cảm và khá nhiều nếp nhăn.

Search intent không quá khó, với công thức 3W mình vừa giới thiệu bạn hoàn toàn có có đủ căn cứ lên một sườn nội dung SEO gãi đúng chỗ ngứa, khiến khách hàng tiệm cận với khái niệm phê.

Mình sẽ hướng dẫn chi tiết hơn ở phần 2, các dạng concept và chi tiết các bước lên sườn nội dung.

Chúc bạn thành công với phương pháp Search intent và phương pháp 3W!

Tái bút:

(*): Đừng nhầm lẫn search intentinsight. Bởi search intent là ý định ngay khi search của người dùng, trong khi insight là một “chỗ ngứa” thầm kín tồn tại bên trong người đó một thời gian đủ dài.

Dược sĩ trà đá

Blog là những chia sẻ góp nhặt của mình về Marketing, một vài câu chuyện ngành Dược và chút góc nhìn cuộc sống. Cảm ơn bạn đã đọc tới đây! Có thể chúng ta gặp những quan điểm khác nhau, nhưng nếu tìm được chút điểm chung với mình, cho phép mình mời bạn cafe/trà đá nhé.

Đọc thêm một số bài viết của mình nhé

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button