Chuyện Y Dược

Bạch Hầu có đáng lo ngại như COVID-19?

Tuy COVID-19 đã được kiểm soát tại Việt Nam nhưng hiện vẫn là vấn đề nhức nhối trên toàn cầu với hàng chục ngàn ca nhiễm mới mỗi ngày.  Gần đây những tin tức về bệnh Bạch Hầu được phát hiện ở Đắk Nông hay TPHCM làm chúng ta lo ngại về một đợt bùng phát dịch bệnh nguy hiểm tiếp nối nCoV.

Bạch Hầu thậm chí còn đáng sợ hơn COVID-19 với tỷ lệ tử vong và khả năng xảy ra biến chứng cao hơn hẳn. Tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ vaccin trong hơn 50 năm nay, liệu rằng Bạch Hầu có thể được kiểm soát tốt trong cộng đồng?

Trước tiên chúng ta tìm hiểu một chút về mức độ nguy hiểm của bệnh Bạch Hầu.

1. Về tác nhân gây bệnh

Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae là tác nhân chính gây nên bệnh Bạch Hầu. Là một loại vi khuẩn hiếu khí, Gram (+), có hình que.

Vị trí phát triển và gây bệnh phổ biến của chúng là phần hầu họng. Tại đây vi khuẩn hình thành lớp màng giả (pseudomembrane) màu trắng, do vậy bệnh có tên là Bạch Hầu (màu trắng ở vùng hầu, họng).

Ngoài ra vi khuẩn Bạch Hầu có thể gây bệnh tại một số vị trí khác (hiếm gặp) như:

  • Niêm mạc da ẩm
  • Niêm mạc da bộ phận sinh dục
vi khuẩn bạch hầu và triệu chứng
Vi khuẩn Bạch Hầu và triệu chứng màng giả màu trắng tại hầu, họng

Vi khuẩn Bạch Hầu lây lan qua đường hô hấp thông qua các giọt bắn từ người bệnh (tương tự nCoV).

Tuy nhiên khác với nCoV, Bạch Hầu là vi khuẩn (một tế bào độc lập) chứ không phải virus (cần vật chủ để sinh sống). Do vậy vi khuẩn Bạch Hầu có khả năng sống sót ở môi trường ngoài cơ thể lâu hơn (6-7 tháng so với vài tiếng ở nCoV). Dẫn đến khả năng lây lan trong cộng đồng của Bạch Hầu cao hơn hẳn nCoV

2. Cơ chế bệnh sinh của bệnh Bạch Hầu

Các triệu chứng và biến chứng của bệnh Bạch Hầu đến từ ngoại độc tố nguy hiểm chết người do vi khuẩn Corynebacterium diphtheria tiết ra có tên là Diptheria Toxin (DT). Gen quyết định độc tố này của vi khuẩn Bạch Hầu thực chất lại được quy định bởi một loại virus ký sinh trên vi khuẩn này có tên là Bacteriophage hay Phage. Khi số lượng gen độc tố mang trên Phage gắn vào bộ gen của vi khuẩn Bạch Hầu tăng lên thì độc tính của vi khuẩn này có thể mạnh thêm, nguy hiểm hơn.

Như đã nói, DT là một loại ngoại độc tố (do vi khuẩn tiết ra bên ngoài khi còn sống). DT có khả năng di chuyển theo máu đi khắp cơ thể và bám dính vào các thụ thể thích hợp (ví dụ: thụ thể HB-EGF). Tại đây, chúng ức chế quá trình tạo protein của tế bào (một quá trình bình thường của tế bào sống), gây độc tế bào.

Nồng độ gây chết của DT là 100ng/kg, đồng nghĩa với việc 5 microgram DT có thể giết chết một người khối lượng 50kg.

Các vị trí bị ảnh hưởng nặng nhất bởi độc tố DT gồm: cơ tim, dây thần kinh ngoại biên. Đây cũng là những vị trí dễ xảy ra biến chứng chết người nhất. Ngoài ra bệnh nhân có thể gặp một số biến chứng ít nguy hiểm hơn như viêm tai giữa, suy hô hấp, tắc nghẽn đường thở.

3. Triệu chứng

Các triệu chứng ban đầu bao gồm đau họng, khó chịu và sốt nhẹ ở mức 38 độ C.

Sau khi phơi nhiễm với lượng đủ độc tố, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như:

  • Xanh xao toàn thân
  • Rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh
  • Choáng váng, nôn hoặc buồn nôn
  • Hôn mê
  • Tử vong sau 6-10 ngày nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời

hình thái bệnh bạch hầu

Về hình thái bệnh, sau 2-3 ngày sẽ thấy một màng màu trắng hơi xanh mở rộng dần trong khoảng miệng. Đặc biệt từ vị trí amidan, dần dần lan ra và bao phủ hầu hết vòm miệng. Các màng này dần dần chuyển thành màu xanh xám, nếu bị chảy máu sẽ chuyển sang màu đen.

Nếu bệnh nhân cố gắng cạo để loại bỏ các màng này sẽ gây chảy máu vì chúng bám rất chắc vào mô niêm mạc. Nếu tiếp tục để các màng này phát triển mạnh có thể gây ra tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp.

Một số bệnh nhân có sức đề kháng tốt có thể khỏi bệnh mà không cần điều trị trong khi số khác có thể gặp các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong, đặc biệt ở trẻ em và người có sức đề kháng kém.

Tỷ lệ tử vong của bệnh Bạch Hầu trung bình ở mọi đối tượng là 5-10%. Con số này là 20% đối với trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi.

Trong thế chiến thứ 2, đã có khoảng 1 triệu người Châu Âu nhiễm Bạch Hầu, trong đó có khoảng 50.000 người chết. Ở Anh và Xứ Wales những năm 30 của thế kỷ trước, Bạch Hầu là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 15 tuổi.

4. Điều trị bệnh Bạch Hầu

Bạch Hầu gây ra bởi vi khuẩn, vì vậy có thể dùng kháng sinh để điều trị bệnh này. Các phác đồ điều trị hiện nay ưu tiên sử dụng phối hợp nhiều loại kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn, đồng thời sử dụng thêm các hoạt chất kháng độc tố (antitoxin) để giảm tác hại của độc tố DT gây ra.

Các kháng sinh thường được phối hợp sử dụng trong điều trị Bạch Hầu bao gồm:

  • Penicillins
  • Cephalosporins
  • Erythromycin
  • Tetracycline

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần được cách ly để giảm khả năng lây lan cho người lành. Thời gian cách ly thông thường là 48 giờ kể từ khi bắt đầu điều trị bằng kháng sinh.

Bệnh có khả năng biến chứng cao, gặp khó khăn lớn khi điều trị ở các bệnh nhân kháng kháng sinh hoặc dị ứng kháng sinh.

Tin vui cho bạn là Bạch Hầu đã có vaccin phòng bệnh. Tôi sẽ đề cập chi tiết ở phần tiếp theo.

5. Vaccin phòng bệnh Bạch Hầu

Vaccin Bạch Hầu được bắt đầu nghiên cứu và phát triển từ những năm 1900. Mục tiêu ban đầu là sử dụng độc tố (toxin) và chất kháng độc tố (antitoxin) để điều trị dự phòng cho bệnh. Sau đó vào khoảng năm 1921, độc tố (toxin) được thay thế bằng các kháng nguyên độc tố bất hoạt (không còn độc nữa). Nhưng phương pháp này không được sử dụng rộng rãi cho đến tận năm 1930.

Tới những năm 1940, vaccin Bạch Hầu đạt được một bước tiến lớn khi được kết hợp thành công trong hỗn hợp vaccin ho gà và uốn ván. Đồng thời kể từ đây, vaccin này được sử dụng đại trà trên diện rộng. Qua đó làm cho tỷ lệ người mắc Bạch Hầu giảm mạnh trên toàn thế giới. Theo thống kê, sau năm 1950 tại Hoa Kỳ đã giảm được khoảng 90%  số ca mắc so với giai đoạn trước đó.

Tuy nhiên tại một số vùng có kinh tế lạc hậu, điều kiện chăm sóc dịch tễ yếu kém hoặc thịnh hành trào lưu “antivaccine” cũng có vài đợt bùng phát dịch trở lại.

6. Chúng ta có thể yên tâm vào vaccin Bạch Hầu?

Để không bùng phát dịch trên diện rộng, vaccin Bạch Hầu cần được tiêm chủng đối với 80-85% dân số (hình thành miễn dịch cộng đồng). Khi miễn dịch cộng đồng được hình thành, chúng ta có thể an tâm về việc không bùng phát dịch Bạch Hầu trên diện rộng. Do vậy, việc loại bỏ tư tưởng “antivaccine” và thực hiện tiêm chủng đúng theo lời khuyên của các chuyên gia Y tế là cần thiết để bảo vệ chính mình và cộng đồng khỏi sự bùng phát dịch bệnh ở quy mô rộng.

Hiện nay DTP là loại vaccine thường được sử dụng cho trẻ từ 6 tuần đến 6 tuổi với thành phần giúp phòng ngừa Bạch Hầu, Uốn Ván và Ho Gà.

Lịch trình thông thường như sau:

Đối với trẻ dưới 3 tuổi

Tiêm một loạt gồm 4 liều lúc 2, 3, 4 và 15-24 tháng tuổi. Thông thường sử dụng vaccin 6 trong 1 hoặc 5 trong 1:

  • Vaccine kết hợp phòng 6 bệnh (ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh do Haemophilus influenzae týp B (Hib) gây ra như viêm phổi, viêm màng não mủ) dạng 6 trong 1 Infanrix hexa
  • Dạng 5 trong 1 Pentaxim (không có thành phần kháng nguyên viêm gan B).

Đối với trẻ trên 3 tuổi và người lớn

Tiêm phòng bằng vaccine Tetraxim (phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt) hoặc vaccine Adacel (phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván) khi trẻ từ 4 tuổi trở lên, và nhắc lại mỗi 10 năm.

Kết luận

Như vậy việc phòng bệnh và phòng dịch Bạch Hầu phụ thuộc rất nhiều vào việc tiêm chủng và miễn dịch cộng đồng. Chúng ta có quyền hy vọng và tin rằng những nỗi sợ của Bạch Hầu đã thuộc về quá khứ, niềm tin về công tác Dược Cộng Đồng tại Việt Nam sẽ đủ sức ngăn chặn những nguy cơ đến từ Bạch Hầu.

Dược sĩ Lê Quân

Nguồn tham khảo:

https://www.nature.com/articles/s41572-019-0131-y

https://www.cdc.gov/vaccines/pubs/pinkbook/dip.html

https://www.cdc.gov/diphtheria/clinicians.html

https://www.canada.ca/…/pa…/corynebacterium-diphtheriae.html

https://www.who.int/…/2_Review_Diphtheria_results_April2017…

https://www.museumofhealthcare.ca/…/vaccina…/diphtheria.html

https://www.historyofvaccines.org/timeline/diphtheria

Dược sĩ trà đá

Blog là những chia sẻ góp nhặt của mình về Marketing, một vài câu chuyện ngành Dược và chút góc nhìn cuộc sống. Cảm ơn bạn đã đọc tới đây! Có thể chúng ta gặp những quan điểm khác nhau, nhưng nếu tìm được chút điểm chung với mình, cho phép mình mời bạn cafe/trà đá nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button