Trong lý luận của nhà Phật, phải công nhận có cái triết lý về thập nhị nhân duyên quả thật cao siêu, càng ngày càng thấy vô cùng ảo diệu.
Thực ra đọc về nó rất nhanh, như mọi triết lý phương Đông khác, nó rất đơn giản, chỉ vài câu thơ huyền bí, từ con bé sinh viên đến cụ già đều nhớ được, nhưng vô cùng ít người hiểu được.
Tách một mảng trong đó ra sẽ thấy định kiến là thứ chi phối cuộc sống chúng ta kinh khủng. Hầu như tất cả những gì chúng ta nhìn nhận đều không thật, đều qua một lớp lăng kính định kiến.
Cứ đi dự một buổi họp lớp là thấy. Dù sau bao nhiêu năm, mỗi người một phận, nhưng rồi tất cả vẫn nhìn nhau như thời học sinh, sự cảm phục vẫn dành cho những bạn giỏi nhất, sự coi thường vẫn dành cho những bạn học kém nhất, dẫu đường đời đã đưa họ đi những nơi rất xa.
Như đội tuyển toán quốc tế của giáo sư Đàm Thanh Sơn, một nhà khoa học rất thành đạt bây giờ, có một anh nữa cực kỳ giỏi, nếu như không muốn nói là không thua gì giáo sư Sơn, nhưng cuối cùng anh này đang đi làm bảo vệ ở quê, hôm bữa tôi gặp, thấy anh vẫn đang giải toán cấp ba. Thương lắm. Do sau khi đi thi quốc tế về, không chịu được áp lực học hành, nên anh ấy phải bỏ cả đại học.
Rồi đọc một cuốn của Tô Hoài, trên chuyến tàu thủy từ Pháp, đưa các nhà khoa học về nước theo Bác, có một nhân vật rất giỏi, nhưng do thấy không hợp với mọi người, nên về nước cái là đi luôn về quê, rồi cuối đời làm thợ sửa xe ở một làng nhỏ ven quốc lộ. Trong khi cả đoàn trí thức ấy gần như đều thành bộ trưởng, thứ trưởng, được ghi danh vào lịch sử.
Tư duy chúng ta luôn cưỡng lại việc phủ nhận hình mẫu nó đã khoác lên ai đó nó quen biết. Không có gì làm chúng ta kinh ngạc bằng việc ông hàng xóm chúng ta hoá ra là một nhà thơ vĩ đại, hay thằng bạn hồi bé hay chép bài ta bây giờ đã là một nhà khoa học lớn.
Vậy nên nhiều khi sự tự do của ta được giới hạn trong những gì người ta không biết về ta. Bởi vì cái gọi là những gì người ta biết ấy, nhiều khi chỉ là những định kiến.
—
Trích từ chia sẻ của thầy Thiên Lương