Như đã từng đề cập, mọi thông tin chúng ta tiếp nhận và cách chúng ta đánh giá thông tin luôn bị che mờ bởi một màn sương mang tên định kiến. Chia thành từng loại định kiến thì cũng có kha khá chất liệu để viết, nay nhân có Quá Rảnh đại nhân tới thăm, tại hạ mạn phép xin biên một series cóp nhặt về các thực nghiệm tâm lý đã được thực hiện để dẫn chứng cho từng màn sương đó. Mời quý quan khách đón đọc.
Bắt đầu với thực nghiệm của tác giả Solomon Asch để chứng minh giả thuyết rằng:
Cách nghĩ của chúng ta đối với một thông tin tùy thuộc vào việc chúng ta có định kiến với nguồn thông tin đó không?
Cách tiến hành:
Asch (1948) phát cho 2 nhóm sinh viên Mỹ cùng một lời trích dẫn chính trị như nhau. Trích dẫn là: “Những người sở hữu tài sản và những người không có tài sản xưa nay hình thành hai giai cấp khác nhau”. Một nhóm được cho biết trích dẫn này là của John Adams, một anh hùng trong cách mạng Mỹ. Còn nhóm khác được thông báo là nó trích dẫn trong tác phẩm của Karl Marx. Sinh viên được hỏi xem họ đồng ý hay không đồng ý với lời phát biểu này và tại sao?
Kết quả:
Những nghiệm thể được thông báo đó là câu chuyện của Adams thường có khuynh hướng đồng ý.
Nhưng những nghiệm thể được thông tin rằng đó là câu của Karl Marx thì thường không đồng ý.
Kết quả thu được về mức độ đồng ý và không đồng ý của hai nhóm thực nghiệm có ý nghĩa thống kê.
Bình luận:
Định kiến xã hội len lỏi vào mọi khía cạnh, mọi vấn đề của cuộc sống và không phải lúc nào chúng ta cũng ý thức được nó. Nguồn thông tin có ảnh hưởng tới cách chúng ta đánh giá thông tin.
Nghe rất cơ bản nhưng hẳn là không ít lần chúng ta đã chấp nhận một quan điểm chỉ bởi người nói, là ai…? Việc quý quan khách đang duyệt bài viết này từ tại hạ, cũng vậy.