Trang Tử kể một câu chuyện về chọi gà.
Kỷ Tỉnh Tử nuôi gà chọi cho vua. Vua rất thích chọi gà nên muốn Kỷ Tỉnh Tử huấn luyện một con gà chọi mạnh nhất thiên hạ, có thể nhanh chóng xuất chiến.
Mười ngày sau, nhà vua hỏi Kỷ Tỉnh Tử:
- Con gà của ta đã đem chọi được chưa?
Kỷ Tỉnh Tử đáp:
- Chưa được, vì con gà này ỷ thế lớn hiếp người, lông xù lên, ánh mắt xớn xác, rất kiêu ngạo.
Chúng ta thường cho rằng lúc này đem gà đi chọi là thích hợp nhất. Nhưng người biết luyện gà thì nói lúc này không thể được.
Mười ngày sau, nhà vua lại hỏi câu hỏi tương tự, Kỷ Tỉnh Tử đáp:
- Vẫn chưa được. Mặc dù tính khí nó đã bắt đầu dịu bớt, nhưng con gà khác vừa cất tiếng là nó phản ứng lại ngay, còn muốn tranh đấu, nên chưa đem chọi được.
Lại mười ngày trôi qua, nhà vua lần thứ ba đến hỏi. Kỷ Tỉnh Tử nói:
- Vẫn chưa được. Tuy hiện nay nó đã điềm đạm hơn nhiều, nhưng trong ánh mắt nó vẫn còn nộ khí, không được, chờ thêm một thời gian nữa.
Mười ngày trôi qua, nhà vua đến hỏi, Kỷ Tỉnh Tử nói:
- Lần này thì được rồi. Những con gà khác dù có kêu nó cũng không thèm đáp.
Vậy con gà ấy thế nào? Người Trung Quốc có câu thành ngữ “Đãi nhược mộc kê” (trơ như gà gỗ). Kỷ Tỉnh Tử nói:
- Con gà này giờ đã luyện đến mức như gà gỗ, tức là tinh thần bình thản, đức tính nó giờ đã hoàn toàn nội hoá, trầm lắng. Bởi vậy con gà này đem chọi thì bất cứ con gà nào trông thấy cũng đều lập tức cúp đuôi chạy. Lúc này có thể đem gà đi chọi.
Chúng ta cho rằng một con gà chọi thì giống như một người lính ra trận, cần phải hăng hái, quyết chiến, cần phải có tinh thần quyết thắng thể hiện ra bên ngoài. Trong khi Trang Tử đưa ra yêu cầu là nó phải giũ bỏ hết sự sắc nhọn bên ngoài, nạp hết nhuệ khí vào bên trong. Nội tâm đó thực ra là một sự hàm súc, có nghĩa là không phải nó thật sự không có chí chiến đấu, mà là chí chiến đấu đã thu vào bên trong, và lúc này mới có thể coi là toàn đức.
Sự tranh đấu thật sự không ở dũng mãnh, không ở kỹ xảo, mà là ở đức tính.