Chuyện Marketing

3 Cấp Độ Unique Content – Bạn Đạt Cấp Bao Nhiêu?

“Unique content” – Nội dung độc đáo là một thuật ngữ bạn sẽ thường xuyên gặp khi làm nghề viết, đặc biệt đối với dạng content cho website. Nôm na đây là một nội dung có giá trị với người dùng và khác biệt với đối thủ.

Không dễ để tạo ra được một nội dung độc nhất. Unique content đòi hỏi sự thấu hiểu người dùng, trải nghiệm và chuyên môn của người viết. Đồng thời tuỳ vào từng bối cảnh sử dụng mà yêu cầu dành cho nội dung đó sẽ khác nhau.

Ví dụ nội dung dành cho khoá luận tốt nghiệp thì yêu cầu về unique sẽ khắt khe hơn rất nhiều so với nội dung đăng website.

Thông thường, chúng ta mong muốn tạo unique content dựa vào 3 nhóm mục đích:

  • Tránh thuật toán chống sao chép nội dung của nền tảng marketing (Google, Youtube, Bing,…) qua đó đạt được mục đích marketing (Rank top, được hiển thị nhiều hơn,…).
  • Tạo ra nội dung giá trị cho người đọc, giúp họ nhận được những thông tin hữu ích mà chưa nơi nào có.
  • Mục đích khác: tránh rắc rối do đạo văn, tránh bị người dùng đánh giá thấp do nội dung đi sao chép,…

Đối với môi trường marketing số, có lẽ mục đích đầu tiên là điều mà chúng ta đang “vô tình” quan tâm nhất. Chính vì vậy, việc tạo ra unique content của chúng ta thường tập trung ở cấp độ thứ nhất trong 3 cấp độ sau đây:

Unique content cấp độ 1: Sự khác nhau về hình thức

Về cách làm, chúng ta sẽ tập trung vào việc thay đổi hình thức của những nội dung đang trực tiếp cạnh tranh với content của bạn. Bao gồm:

  • Thay đổi cách trình bày cho dễ tiếp nhận hơn
  • Thay đổi văn phong
  • Thay đổi cách sắp xếp dàn ý
  • Tổng hợp nội dung hiện có từ các đối thủ
  • Thay đổi định dạng content (video, text, infographic, âm thanh…) với nội dung không đổi.

Như mình vừa nói, chúng ta phần lớn nhìn vào unique content ở cấp độ 1.

Đối với cách làm này, bạn không thực sự tạo ra nhiều giá trị cho người tiếp nhận nội dung. Đồng thời bạn cũng không tốn quá nhiều chất xám cho việc tạo ra “nội dung độc nhất”.

Cá nhân mình thì không xem đây là một dạng nội dung độc nhất, và nội dung này cũng rất dễ bị đối thủ sao chép, thậm chí họ còn sao chép tốt hơn mình.

Unique content cấp độ 2: Sự khác nhau về nội dung

Bao gồm một số cách làm sau:

Thay đổi khía cạnh của chủ thể trong nội dung

Ví dụ: cùng chủ đề “sản phẩm A có tốt không” bạn có thể nói ở khía cạnh tốt theo tính năng, hoặc tốt theo độ bền)

Thay đổi góc nhìn từ người viết

Bạn có thể nói về sản phẩm A từ góc nhìn một chuyên gia trong ngành hoặc là một khách hàng đã dùng sản phẩm A được 6 tháng)

Thay đổi định dạng content nhưng có thêm các yếu tố phù hợp với định dạng

Điều này khác với việc thay đổi định dạng ở cấp độ 1.

Ví dụ một nội dung dạng text khi chuyển sang dạng video, bạn sẽ sáng tạo thêm một số từ nối, một số từ hài hước hoặc một đoạn nhạc chuyển cảnh vui vẻ… những điều đó làm giá trị mà nội dung mang lại cho người dùng tăng lên đáng kể.

Bổ sung nội dung so với các đối thủ hiện có

Thực ra cách này nằm ở giữa cấp độ 1 và 2. Nếu giá trị mà bạn thêm không đủ lớn, không quá khác biệt so với đối thủ thì không được tính là đã lên cấp 2. VD đối thủ có 10 cách giảm cân, bạn thêm 1 thành 11 thì không thực sự là unique.

Thông thường mình sẽ mở rộng chủ đề dựa theo các insight liên quan của người dùng khi tìm hiểu về chủ đề đó.

Ví dụ:

Với chủ đề “cách cài Google Analytics”. Đây tưởng chừng như một chủ đề chỉ có step-by-step dập khuôn và bị “đóng khung”.

Tuy nhiên mình thấy rằng người tìm hiểu chủ đề này là những người gần như lần đầu cài Analytics. Họ dễ “click nhầm” hoặc làm thiếu bước dẫn đến có thể gặp một số lỗi, cài xong thì không biết tối ưu thế nào.

Do vậy mình bổ sung thêm một đoạn nội dung về một số lỗi thường gặp khi cài, đồng thời liệt kê một số checklist quan trọng cần quan tâm sau khi cài xong Analytics.

Đối với cấp độ này, bạn đã mang lại nhiều giá trị hơn cho người tiếp nhận thông tin. Đồng thời phải bỏ nhiều chất xám để sáng tạo nội dung nên nội dung của bạn sẽ khó bị sao chép hơn so với cấp độ 1. Cách nền tảng marketing như Google, Youtube… cũng đánh giá cao nội dung của bạn hơn.

Một ưu điểm nữa của unique cấp độ 2 là kích thích khả năng sáng tạo, kích thích tư duy đào sâu insight và khả năng mở rộng chủ đề của bạn.

Mình học được điều này từ video mà anh Học từng chia sẻ về cách tìm ra suối nguồn ý tưởng cho người làm nghề viết. 9 phút cùng video có thể “đả thông kinh mạch content” của bạn đấy.

Xem xong thì mình đến cấp độ cuối nhé!

Unique content cấp độ 3: Sự khác nhau về thương hiệu

Đây có lẽ là cấp độ nội dung độc đáo cao nhất, bền vững nhất và đương nhiên cũng tốn não và thời gian nhất để có thể đạt được.

Bạn mình làm truyền thông cho một nhãn hàng thiết bị nhà tắm. Trong 10 lần đi gặp khách thì tới 15 lần bạn ý trở về với câu nói “khách bảo sản phẩm của chị chả có gì đặc biệt, không khác gì so với đối thủ luôn”.

Ấy vậy mà nhãn hàng này vẫn là “Top of mind” trong của ngành thiết bị nhà tắm.

Lúc này cái unique không nằm nhiều ở những gì nội dung truyền tải, mà nó nằm nhiều ở… cái logo.Nội dung đó sẽ không khó để đạt được hiệu quả truyền thông nếu biết cách thêm các yếu tố sáng tạo, gia tăng giá trị cảm xúc bám theo định vị thương hiệu.

Ở khía cạnh cá nhân, bạn có thể xây dựng unique content ở cấp độ 3 bằng cách rèn luyện một văn phong riêng, một lối phân tích hoặc kể chuyện riêng.

Unique kiểu này thì, rất rất rất khó để một ai đó có thể sao chép được bạn. Đồng thời độc giả phù hợp với nội dung của bạn sẽ luôn chào đón nội dung của bạn. Vì họ thích, giống như việc mình thích Chi Pu vậy, kkk.

Túm lại:

Có 3 cấp độ unique content.
(Thật ra có thể có nhiều hơn đấy, comment ý kiến của bạn nha).

LoveU3000 <3

Dược sĩ trà đá

Blog là những chia sẻ góp nhặt của mình về Marketing, một vài câu chuyện ngành Dược và chút góc nhìn cuộc sống. Cảm ơn bạn đã đọc tới đây! Có thể chúng ta gặp những quan điểm khác nhau, nhưng nếu tìm được chút điểm chung với mình, cho phép mình mời bạn cafe/trà đá nhé.

Đọc thêm một số bài viết của mình nhé

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button